Nghiên cứu được thực hiện tại khu vực canh tác lúa-tôm thuộc ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nhằm đánh giá khả năng thay thế giống lúa mùa, dài ngày bởi giống lúa ngắn ngày năng suất cao. Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện trong vụ Thu Đông 2012-2013 gồm 2 giống lúa (Một Bụi Đỏ và OM4900) và Thu Đông 2013-2014 gồm 3 giống lúa (Một Bụi Đỏ, OM10252, và OM4900), trong đó giống lúa Một Bụi Đỏ là giống lúa mùa địa phương, có khả năng chịu mặn và được trồng phổ biến trong hệ thống canh tác lúa-tôm. Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Các chỉ tiêu được thu thập gồm đặc tính hóa học đất và nước, năng suất lúa, sinh khối và các thành phần năng suất. Ngoài ra, thông tin về hiện trạng canh tác lúa trong hệ thống lúa-tôm cũng được điều tra qua phỏng vấn 30 hộ nông dân tại các xã có canh tác lúa-tôm của huyện Phước Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống lúa OM4900 có năng suất dao động từ 4,03 đến 4,93 tấn/ha, giống OM10252 cho năng suất trung bình 4,82 tấn/ha, và thấp nhất là Một Bụi Đỏ với năng suất dao động từ 3,35 đến 3,87 tấn/ha. Canh tác giống ngắn ngày có khả năng rút ngắn thời gian canh tác khoảng 22-33 ngày so với giống lúa mùa dài ngày. Kết quả điều tra cho thấy giống lúa ngắn ngày có khả năng thay thế giống lúa dài ngày trong hệ thống lúa-tôm do năng suất cao, thích nghi tốt, thời gian canh tác ngắn nên có thể tránh được rủi ro khi mùa mưa kết thúc sớm, đồng thời nông dân có thời gian chuẩn bị đất cho vụ tôm tiếp theo.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên