Nghiên cứu khảo sát sự thay đổi của độ ẩm và các hợp chất có hoạt tính sinh học như vitamin C, β-carotene, polyphenol tổng số (TPC), flavonoid tổng số (TFC) và hoạt tính chống oxy hóa thể hiện qua khả năng loại gốc DPPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl) trong các phần của quả mít tại các vùng trồng mít Thái thuộc huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang). Các thành phần trên được đánh giá tại hai khoảng độ chín của quả mít (độ chín I - già: 90 - 105 ngày, độ chín II - chín: 105 - 125 ngày sau đậu trái). Kết quả cho thấy, khi chuyển từ già sang chín, độ ẩm các phần giảm (từ 72,1 - 73,7 còn 69,03 - 71,54% trong thịt quả, từ 76,85 - 77,96 còn 69,89 - 71,37% trong xơ và từ 68,25 - 69,70 còn 63,18 - 63,95% trong hột). TPC tăng từ 1,23 - 1,36 lên 1,46 - 1,88 mg GAE/g trong thịt quả; từ 1,01 - 1,10 lên 1,32 - 1,52 mg GAE/g trong xơ và từ 0,98 - 1,18 lên 1,36 - 1,69 mg GAE/g trong hột. TFC tăng từ 0,38 - 0,43 lên 0,52 - 0,73 mg QE/g trong thịt quả; từ 0,25 - 0,31 lên 0,32 - 0,55 mg QE/g trong xơ và từ 0,12 - 0,20 lên 0,21 - 0,29 mg QE/g trong hột. Khả năng loại gốc DPPH tăng từ 26,54 - 29,4 lên 30,6 - 31,98% trong thịt quả; từ 22,67 - 27,01 lên 27,58 - 31,79% trong xơ và từ 18,73 - 22,48 lên 22,71 - 27,98% trong hột. Hàm lượng vitamin C tăng từ 9,51 - 10,94 lên 13,25 - 14,62 mg/100 g trong thịt quả; từ 2,67 - 2,90 lên 3,93 - 4,87 mg/100 g trong xơ, song trong hột không thay đổi đáng kể. β-carotene tăng từ 48,56 - 51,76 lên 56,98 - 58,79 mg/g trong thịt quả; không thay đổi đáng kể trong xơ và giảm từ 1,41 - 1,67 còn 0,83 - 0,99 mg/g trong hột. Vùng trồng hầu như chỉ không ảnh hưởng đến độ ẩm và hàm lượng β-carotene trong hột, độ ẩm và vitamin C trong xơ. Hàm lượng nước và các thành phần có hoạt tính sinh học cùng với hoạt tính chống oxy hóa trong các phần đều bị ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê (α < 0,05) bởi vùng trồng. Khi chín, mít trồng tại các vùng có hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học và hoạt tính chống oxy hóa cao.