Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở phân lập và tuyển chọn dòng vi khuẩn lactic có khả năng lên men sữa chua từ trái sơri tại thị xã Gò Công (Tiền Giang), quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ). Từ nguồn mẫu sơri ban đầu, 17 dòng vi khuẩn lactic đã được phân lập thuộc 3 chi vi khuẩn lactic: Lactobacillus, Lactococcus và Pediococcus, các chủng vi khuẩn đã được phân lập có khuẩn lạc dạng hình tròn, màu trắng trong, trắng ngà hoặc trắng sữa, độ nổi mô hoặc lài, bìa nguyên, kích thước dao động từ 0,5 - 3 mm, tế bào vi khuẩn có dạng hình cầu hoặc que ngắn, Gram dương, oxidaza và catalaza âm tính. Trong đó, dòng vi khuẩn TG2 có hoạt lực lên men và khả năng kháng khuẩn tốt nhất (12,54 g/L axit tổng sau 72 giờ lên men, đường kính vòng kháng khuẩn là 11,33 mm). Thử nghiệm khả năng lên men sữa chua có bổ sung 8% dịch sơri ở pH 6,32, độ Brix 33,5 và mật số vi khuẩn 6,7 x 106 tế bào/mL sinh ra hàm lượng axit lactic cao nhất, đồng thời với giá trị cảm quan đạt 14,42/15 điểm. Kết quả của phương pháp giải trình tự và phân tích trình tự gen 16S rRNA cho thấy, dòng vi khuẩn TG2 là dòng vi khuẩn Lactobacillus plantarum với độ tương đồng ở mức 100%.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên