Dây giác (Cayratia trifolia) là một loại thực vật mọc hoang dại, phổ biến trong tự nhiên ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trái của dây giác chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, có khả năng kháng oxy hóa, giảm sự tăng trưởng của khối u và được sử dụng làm dược liệu. Trong đó, polyphenol là chất kháng oxy hóa mạnh được tìm thấy trong trái giác có khả năng hạn chế quá trình oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do. Nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng của phương pháp xử lý, địa điểm thu mẫu, điều kiện thu hái và điều kiện bảo quản đến giá trị hàm lượng polyphenol tổng số trong trái giác thu hái từ 4 tỉnh/thành phố là Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Hậu Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy xử lý trái bằng phương pháp nghiền cho hàm lượng polyphenol cao (18,89 mg GAE/g); mẫu CT1 và HG4 thu ở Cần Thơ và Hậu Giang có hàm lượng polyphenol tổng số cao so với các mẫu còn lại, lần lượt là 18,48 và18,67 mg GAE/g. Trái giác chín có màu tím sậm sẽ có hàm lượng cao hơn so trái được thu hái ở các độ chín khác. Trong trường hợp chưa đưa vào quy tình chế biến ngay thì trái giác chín được trữ đông ở ngày thứ 3 có hàm lượng polyphenol tổng số ổn định là 18,80 mg GAE/g.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên