Đề tài được thực hiện từ tháng 6/2022 đến 11/2022 nhằm kiểm tra sự lưu hành, xác định sự nhạy cảm đối với kháng sinh và sự hiện diện gene kháng kháng sinh của vi khuẩn Salmonella phân lập từ kỳ tôm tại tỉnh Kiên Giang. Bằng phương pháp phân lập theo TCVN 4829:2005 (ISO 6579:2002), trong tổng số 140 mẫu phân con kỳ tôm được thu thập, tỷ lệ mẫu dương tính với vi khuẩn Salmonella chiếm tỷ lệ cao (15,7%). Thực hiện phương pháp khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trên thạch, kết quả cho thấy vi khuẩn Salmonella nhạy cảm cao với ceftazidime, amikacin và levofloxacin (100%), nhưng đã có sự kháng lại đối với streptomycin (45,5%). Tổng số 17 kiểu hình kháng kháng sinh đã được ghi nhận, kiểu hình đa kháng phổ biến là Sm+Te, Am+Ac+Cu (9,1%). Các gene mã hoá khả năng kháng kháng sinh đã được phát hiện bằng phương pháp PCR. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hiện diện của gene qnrA chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%) và thấp nhất là gene tetA (13,6%). Có sự hình thành 15 kiểu gene kháng kháng sinh, trong đó, kiểu gene phổ biến là blaampC+qrnA+sulII (18,2%). Do đó, sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella có khả năng kháng kháng sinh trên kỳ tôm là một vấn đề cần được quan tâm, nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại tỉnh Kiên Giang.
Từ khóa: Kỳ tôm, sự lưu hành, kháng kháng sinh, Salmonella, Kiên Giang
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên