Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định đặc tính hình thái và hóa học của đất phèn canh tác khóm tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Đặc tính hình thái đất được mô tả trực tiếp trong điều kiện đồng ruộng và mẫu đất được thu theo tầng phát sinh để phân tích đặc tính hóa học. Kết quả mô tả hình thái cho thấy ba phẫu diện đất canh tác khóm tại xã Thạnh Tân thuộc đất phèn tiềm tàng sâu, với vật liệu sinh phèn xuất hiện ở độ sâu > 60 cm. Tên phân loại của phẫu diện đất TT-K-01 và TT-K-03 được xác định là Mollic Gleysols (Endo Proto-thionic Gleysols-Đất phèn tiềm tàng sâu), phẫu diện TT-K-02 là Mollic Gleysols (Bathi Proto-thionic Gleysols-Đất phèn tiềm tàng rất sâu). Đối với đặc tính hóa học đất, pHH2O và pHKCl (tỉ lệ đất: dịch trích 1:5) của các tầng đất có giá trị lần lượt nhỏ hơn 3,70 và 3,30. Hàm lượng độc chất nhôm tăng lên đến 40,3 meq Al3+ 100 g-1 và sắt 657 mg kg-1. Đồng thời, hàm lượng đạm tổng số được đánh giá ở mức thấp và lân tổng số ở mức nghèo. Hàm lượng đạm hữu dụng và lân dễ tiêu ở các tầng đất được ghi nhận 10,7 – 85,2 mg NH4+ kg-1 và 4,06 – 73,3 mg P kg-1. Tuy nhiên, thành phần lân nhôm, lân sắt và lân canxi cao ở tầng đất mặt với 52,0 – 126, 69,4-230 và 8,06 – 30,5 mg P kg-1. Ngoài ra, hàm lượng chất hữu cơ được đánh giá ở ngưỡng thấp đến trung bình trong khi khả năng trao đổi cation được ghi nhận ở mức thấp. Nhìn chung, đất canh tác khóm tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có độ phì nhiêu thấp.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên