Mục đích của thí nghiệm là tìm hiểu mối quan hệ giữa canxi với hiện tượng nứt và phẩm chất trái chôm chôm Rongrien tại xã Mỹ Khánh và xã Nhơn Ái - huyện Phong Điền - thành phố Cần Thơ, gồm có 2 thí nghiệm: (1) khảo sát mối quan hệ giữa hàm lượng canxi trong đất và trái đến hiện tượng nứt và phẩm chất trái, được thực hiện trên 30 cây chôm chôm từ 4 - 6 năm tuổi mùa vụ 2014; và (2) khảo sát ảnh hưởng của dạng canxi phun qua lá đến hiện tượng nứt và phẩm chất trái, canxi phun đều lên tán lá với lượng 4 lít/cây sau khi đậu trái 8 tuần, phun 4 lần và khoảng cách hai lần phun là 15 ngày; các nghiệm thức bao gồm đối chứng (phun nước) và các dạng canxi khác nhau [Ca(NO3)2,Ca(OH)2, và CaCl2 nồng độ 2%]. Kết quả khảo sát cho thấy có sự tương quan giữa hàm lượng Ca2+ trao đổi trong đất và Ca2+ tổng số ở lá (r = 0,45*) nhưng không tương quan với hàm lượng Ca2+ tổng số ở vỏ trái; tỷ lệ nứt trái không có tương quan với hàm lượng Ca2+ trao đổi trong đất và Ca2+ tổng số ở lá, có tương quan nghịch với Ca2+ tổng số và tương quan thuận chặt với tỷ lệ rò rỉ ion ở vỏ trái (r = -0,69** và 0,75** theo thứ tự); hàm lượng Ca2+ tổng số ở trái bị nứt thấp trong khi tỷ lệ rò rỉ ion cao hơn so với trái bình thường. Kết quả cũng cho thấy phun canxi qua lá làm giảm tỷ lệ nứt trái từ 1,2 - 1,8 lần so với đối chứng, mặc dù có tỷ lệ nứt trái thấp nhất nhưng CaCl2 có khuynh hướng làm giảm độ Brix và khối lượng trái.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên