Silo được xem là một thiết bị hữu hiệu cho việc tồn trữ nguyên liệu, sản phẩm ở các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo, thức ăn gia súc, dầu cám ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các silo tồn trữ hiện có ở các nhà máy đều nhập từ nước ngoài, chi phí đầu tư cao, có nhược điểm trong việc thông thoáng gió bên trong silo, đặc biệt đối với silo tồn trữ cám viên trong các nhà máy chế biến dầu cám. Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu tính toán, thiết kế và chế tạo silo chứa cám viên với năng suất chứa 500 tấn dùng trong tồn trữ, bảo quản phục vụ cho quá trình trích ly dầu cám. Các công thức tính toán áp lực tác dụng lên thành vách silo ở phần trụ và phễu côn, cũng như thiết kế kích thước silo được dựa trên cơ sở của tiêu chuẩn Eurocode, với khả năng chịu được sức gió 160 km/giờ và độ động đất từ 6 đến 7 độ richter. Hệ thống thông gió được thực hiện bằng quạt có công suất thiết kế 15 kW, được tính toán dựa trên lượng nhiệt thải thừa trong quá trình tồn trữ. Silo được thiết kế cải tiến với bộ phận thông gió bên trong, nhằm chống sự hút ẩm của sản phẩm, hạn chế khả năng vón cục, tắt nghẽn silo trong quá trình tồn trữ cám viên ở nhà máy. Silo được thiết kế có kích thước đường kính 8 m, tổng chiều cao 27,7 m. Chiều dày thành silo lần lượt là 10 mm, 8 mm và 6 mm tương ứng với những độ cao khác nhau. Móng silo được thiết kế và chế tạo bằng bê tông cốt thép. Silo được chế tạo và lắp đặt tại nhà máy trích ly dầu cám với năng suất chứa 500 tấn, với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với silo nhập từ nước ngoài.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên