Nghiên cứu này đã được thực hiện từ tháng 01/2022 đến 12/2023 nhằm đánh giá sự hiện diện gene độc lực và gene kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli phân lập trên một số loài động vật hoang dã (thằn lằn, chuột, ruồi, kiến) sinh sống trong môi trường chăn nuôi gà, tại tỉnh Vĩnh Long. Trong tổng số 1.463 mẫu động vật thu thập được, đã phát hiện vi khuẩn E. coli hiện diện ở mẫu thu với tỷ lệ thấp (27,00%). Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ hiện diện của E. coli giữa các loài động vật này, tỷ lệ nhiễm cao nhất là trên chuột (68,00%), kế đến là thằn lằn (37,73%), ruồi (21,46%) và thấp nhất là trên kiến (7,00%). Bằng phương pháp PCR, đã xác định được sự hiện của gene stx2 (11,76%) là phổ biến nhất trên các chủng E. coli phân lập được và chỉ tìm thấy gene eae và hlyA trên các chủng phân lập từ thằn lằn. Kết quả PCR cũng chỉ ra có sự hiện diện của năm gene mã hóa đề kháng kháng sinh trên các chủng E. coli phân lập được, với tỷ lệ cao nhất là gene blaampC (81,51%), kế đến là gene tetA (68,91%), gene sulII (66,39%), gene blaTEM (58,82%), và gene qnrA (13,45%). Ngoài ra, có đến 78,15% các chủng E. coli phân lập được mang kiểu hình ghép từ hai đến năm gene đề kháng kháng sinh. Trong đó, kiểu hình ghép gene blaampC + blaTEM + tetA + sulII (27,73%) là phổ biến nhất.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên