Bài báo này trình bày quá trình sản xuất cốt liệu nhẹ từ nguồn phế phẩm trong quá trình sản xuất gạch vỉa hè (phế thải bột gạch) bằng phương pháp liên kết nguội và kiềm kích hoạt. Dung dịch kiềm (Na2SiO3 30% and NaOH 10M) mô đun 1,5 (SiO2/Na2O = 1,5) được sử dụng làm chất kích hoạt phản ứng hóa học của hỗn hợp tro bay và phế thải bột gạch với các tỉ lệ tro bay/phế thải bột gạch là 100/0, 50/50 và 0/100 theo thể tích. Sau khi được tạo hình, các hạt cốt liệu nhẹ được bảo dưỡng ở nhiệt độ 1050C trong 20 giờ và để nguội ở nhiệt độ phòng trong 4 giờ. Sau đó, tiến hành kiểm tra các tính chất của các hạt cốt liệu nhẹ bao gồm: thành phần hạt, khối lượng riêng và khối lượng thể tích, độ hút nước, cường độ nén từng viên và cường độ nén dập trong xilanh. Kết quả thí nghiệm cho thấy các hạt cốt liệu nhẹ được sản xuất có đường kính lớn nhất không vượt quá 20 mm. Khối lượng riêng và độ hút nước của cốt liệu nhẹ thấp hơn khoảng 19% và 10% so với khối lượng riêng và độ hút nước của cốt liệu tự nhiên tương ứng. Cường độ nén từng viên và nén dập trong xi lanh cao nhất của cốt liệu nhẹ tương ứng là 3,7 MPa và 21,5 MPa. Kết quả trên đã chỉ ra tiềm năng của việc sản xuất cốt liệu nhẹ từ nguồn phế thải bột gạch và khả năng ứng dụng loại cốt liệu nhẹ này trong các hoạt động xây dựng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên