Việc duy trì và phát triển cây quýt đường nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cao trong điều kiện hiện nay đối mặt với nhiều trở ngại về bệnh hại như vàng lá thối rễ và vàng lá gân xanh. Mục tiêu nghiên cứu là (i) Đánh giá hiện trạng kỹ thuật canh tác quýt đường; (ii) Xác định tình hình sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ đối với cây quýt đường; (iii) Phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mô hình trồng quýt đường tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nghiên cứu được thực hiện trên 76 nông hộ để thu thập các dữ liệu về hiện trạng canh tác, tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình canh tác quýt đường. Kết quả cho thấy hiện trạng canh tác phù hợp như mương liếp được thiết kế theo hướng Đông – Tây để tránh ánh sáng trực xạ, mật độ trung bình từ 1.000 đến 1.200 cây ha-1, có che phủ, bồi bùn và tỉa cành. Phân vô cơ được dùng phổ biến với công thức phân NPK (kg ha-1) lần lượt là 108N – 96P2O5 – 54K2O được đánh giá là chưa cân đối. Việc bón bổ sung phân hữu cơ đã được người dân quan tâm sử dụng. Người dân ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, và chủ yếu sử dụng biện pháp sinh học để phòng trừ. Người trồng quýt chỉ để ra hoa tự nhiên, đây là yếu tố được xem là yếu tố đặc trưng của vùng. Phân tích SWOT cho thấy người dân vùng trồng quýt đường tại Trà Vinh có nhiều kinh nghiệm và có tiềm năng nâng cao năng suất quýt khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật nói chung, đặc biệt đối với xử lý ra hoa.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên