Nghiên cứu được thực hiện trên địa bàn ven biển huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng tại các khu vực làm muối và nuôi Artemia nhằm khảo sát thành phần loài và biến động mật độ các loài vi tảo làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng nước trong khu vực này. Kết quả khảo sát tại 8 điểm đại diện các mô hình làm muối chuyên, Artemia chuyên, kết hợp Artemia - muối và ngoài khu vực cống, kênh lấy nước cho thấy tổng số loài tảo ghi nhận được là 125 loài thuộc 5 ngành gồm tảo Khuê, vi khuẩn Lam, tảo Mắt, tảo Lục và tảo Giáp. Tảo Khuê có số loài xuất hiện nhiều nhất (77 loài) và chiếm tỉ lệ cao ở hầu hết các thời điểm và vị trí khảo sát. Mật độ tảo thường cao với vài chục triệu tế bào/L đến trăm triệu tế bào/L (106 triệu tế bào/L) nhất là các tháng mùa mưa (tháng 7-10). Mặc dù tảo Khuê chiếm ưu thế về mặt số loài nhưng mật độ thường rất thấp, trong khi đó, vi khuẩn Lam với số loài ít hơn nhưng chiếm ưu thế về mặt số lượng cá thể nhất là trong mùa mưa. Sự phát triển ưu thế của vi khuẩn Lam trong mùa mưa nói lên chất lượng nước ở khu vực này không tốt.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên