Từ những năm 54 - 55 của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam chứng kiến những biến động dữ dội của chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Sự kiện đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc cùng với sự xuất hiện của đế quốc Mỹ với tham vọng thực thi “chủ nghĩa thực dân mới” trên toàn miền Nam đã làm thay đổi mọi mặt. Những giấc mộng đẹp của nhân dân về một Tổ quốc thanh bình; không còn tiếng súng bom; không còn cảnh chia lìa, đau thương, mất mát... ngay khi đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi lãnh thổ đã nhanh chóng tan biến. Cảnh hỗn loạn, bắt lính, tra tấn dã man những người dân vô tội diễn ra liên tiếp, lan rộng từ thành thị đến miền quê xa xôi hẻo lánh. Bên cạnh đó, hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trong lòng các đô thị miền Nam (từ năm 1955 đến năm 1975) là minh chứng cho một chế độ mới được hình thành, là “sản phẩm” của nhóm chính trị chống Cộng mang tên Quốc gia Việt Nam (thời kháng Pháp) và sự hậu thuẫn tối đa của quân đội Mỹ: Việt Nam Cộng hoà (Republic of Vietnam). Chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Vietnam Domocratic Republic) càng khao khát thống nhất đất nước bao nhiêu thì Việt Nam Cộng hoà lại càng muốn Tổ quốc chia cắt sâu sắc và lâu dài bấy nhiêu. Sự ngang ngược, tàn bạo, vô nhân đạo, phi lý của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của triệu người dân yêu nước.
Văn học luôn song hành cùng lịch sử dân tộc, là tấm gương phản chiếu hiện thực lịch sử và con người trong những hoàn cảnh khác nhau. Từ năm 1955 đến năm 1975, hoà cùng không khí nóng rát của lịch sử dân tộc, nền văn học Việt Nam phân cành, rẽ nhánh thành những bộ phận khác nhau, tiêu biểu là văn học xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, văn học vùng giải phóng và văn học vùng tạm chiếm miền Nam (còn gọi là văn học thành thị miền Nam). Nói riêng văn học thành thị miền Nam, bộ phận này lại tiếp tục phân chia thành những khuynh hướng chuyên biệt, đáng nói đến là khuynh hướng yêu nước, tuyên truyền tranh đấu chống quân xâm lược Mỹ và phê phán chính quyền Việt Nam Cộng hoà, tìm về cội nguồn dân tộc. Không khí sáng tác sôi động và sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn yêu nước đã góp phần định vị bộ phận văn học yêu nước ở thành thị miền Nam, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, đi đến thống nhất đất nước. Tìm hiểu khuynh hướng văn học yêu nước, chúng tôi nhận ra một lực lượng sáng tác hùng hậu đến từ Huế - vùng đất cố đô giàu trầm tích lịch sử và truyền thống văn hoá, văn học, đồng thời cũng là một trong những trung tâm tranh đấu ở miền Nam giai đoạn 1955 - 1975.
Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu truyện ngắn yêu nước của các nhà văn gốc Huế dưới ánh sáng của lý thuyết phân tâm học. Đây là lý thuyết ra đời ở châu Âu vào cuối thế kỷ XIX, nhanh chóng dấn thân vào các lĩnh vực nghiên cứu như tâm lý, tôn giáo, dân tộc, tội phạm... và văn chương trong khu vực và trên thế giới. Từ đây, một lần nữa chúng tôi nhìn nhận lại giá trị, sự đóng góp của văn học yêu nước thành thị miền Nam, đặc biệt là không khí sáng tác đầy sôi động của đội ngũ tác giả gốc Huế, cho dòng chảy của văn chương nước nhà.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên