Mục tiêu của bài báo này là đánh giá hiện trạng việc làm và các nhân tố kỹ năng cần thiết cho việc làm của sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế (KDQT) trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tốt nghiệp từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2015 (khóa 33 đến khóa 37, trong đó, chương trình đào tạo của khóa 36, 37 đã giảm 16 tín chỉ so với các khóa trước) nhằm phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng và phát triển chương trình đào tạo. Nghiên cứu đã khảo sát 168 sinh viên thuộc đối tượng trên theo phương pháp chọn mẫu phi xác suất - phương pháp phát triển mầm. Các phương pháp được sử dụng để phân tích dữ liệu sơ cấp gồm thống kê mô tả, kiểm định mối liên hệ giữa hai biến định tính, phân tích độ tin cậy thang đo và phân tích nhân tố khám phá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khi tốt nghiệp có 89,9% sinh viên có được việc làm, tuy nhiên, đến thời điểm khảo sát, chỉ có 74,4% sinh viên còn đang làm việc, 7,1% đang học tiếp cao học và 18,5% chưa có việc làm. Có sự liên hệ khá chặt chẽ giữa việc có được việc làm hiện nay của cử nhân KDQT và kết quả tốt nghiệp, sinh viên có kết quả tốt nghiệp giỏi và xuất sắc dễ có việc làm hơn sinh viên khá và trung bình. Giữa khóa học và việc làm cũng có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê cao, các khóa 33, 34 có việc làm phù hợp chuyên môn cao hơn các khóa còn lại. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho ra kết quả có 8 nhóm nhân tố kỹ năng ảnh hưởng đến việc có được việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành KDQT bao gồm kỹ năng: Bán hàng; Lãnh đạo; Giao dịch đàm phán; Nghiệp vụ ngoại thương; Ứng dụng tin học; Hợp tác và tự làm việc; Tự chủ và thích ứng; Giao tiếp.
Tạp chí: Hội thảo "Hệ thống thông tin trong kinh tế - WISE15", Phòng B201, trường ĐH Kinh Tế TPHCM, 279 Nguyễn Tri Phương, Q10, Thời gian: ngày 19/12/2015
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên