Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá được hàm lượng anthocyanin, các hợp chất thứ cấp và khả năng kháng oxy hóa của các giống lúa màu. Hàm lượng anthocyanin được đánh giá bằng cách sử dụng Cyanidin-3-Glucoside. Hàm lượng polyphenol tổng số được đo bằng phương pháp Folin-Ciocalteu và hàm lượng flavonoid tổng số được thực hiện bằng phương pháp so màu AlCl3. Khả năng kháng oxy hóa được đánh giá thông qua khả năng ức chế oxy hóa 2,2′-azinobis-(3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid) (ABTS). Bên cạnh đó, tương quan màu sắc hạt gạo đến hàm lượng anthocyanin cũng được thực hiện. Kết quả ghi nhận, giống Núi vôi dạng 1 có hàm lượng flavonoids cao nhất (657,33±5,77 GAE.100-1g), tiếp theo là Mắc cu 1 (665,33±32,14 GAE.100-1g), thấp nhất là Jasmine 85 (263,67±20,81 GAE.100-1g). Hàm lượng anthocyanin cao nhất là giống Pèo du dây (153,97±1,77 mg.100-1g), kế đến là Xiền pản (152,89±0,52 mg.100-1g) và Plẩu sáng râu (139,8±1,97 mg.100-1g). Giống có hàm lượng polyphenol tổng số cao nhất là Phước ly (193,29±1,82 GAE.100-1g), tiếp theo là giống Sóc (181,27±4,53 GAE.100-1g) và Sông đôi (180,74±5,43 GAE.100-1g). Giống Phước ly có khả năng ức chế ABTS cao nhất với phần trăm ức chế là 77,77% và khác biệt có ý nghĩa với các giống còn lại. Tương quan giữa màu sắc hạt gạo và hàm lượng anthocyanin là tương quan thuận, màu sắc hạt gạo càng đậm thì hàm lượng anthocyanin càng cao. Bên cạnh đó hàm lượng amylose thấp nhất được tìm thấy ở giống Nếp tím thơm (3,62±0,25%), cao nhất là giống Nàng co đỏ 1 (25,1±0,66%).
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên