Xoài Cát chu (Mangifera Indica L.) là một trong các loài cây ăn quả nhiệt đới được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam thải ra một lượng lớn phụ phẩm, gây ra các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng nếu không được xử lý hợp lý. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của (i) nồng độ dung dịch acid citric (2 - 8%); (ii) nhiệt độ trích ly (65 - 85oC); (iii) thời gian trích ly (30 - 90 phút) và (iv) tỷ lệ dung môi/nguyên liệu (15 - 25 mL/g) đến hiệu suất thu hồi và một số đặc tính lý hóa của chất xơ từ vỏ xoài Cát chu. Nghiên cứu đã cung cấp đầy đủ thông tin về sự thay đổi hiệu suất thu hồi và đặc tính lý hóa của chất xơ ở các điều kiện khác nhau. Dựa vào đó, các điều kiện trích ly phù hợp với mục đích sử dụng có thể được lựa chọn. Trong nghiên cứu này, hiệu suất thu hồi chất xơ được quan tâm nhất nhưng vẫn đảm bảo chất xơ thu nhận có đặc tính lý hóa tốt. Kết quả cho thấy, khi trích ly vỏ xoài Cát chu bằng dung dịch acid citric 6% ở nhiệt độ 85oC trong 30 phút với tỷ lệ dung môi/nguyên liệu 20 mL/g thu được chất xơ cao nhất (33,10 ± 1,10%). Chất xơ thu nhận cho thấy khả năng hòa tan (94,74 ± 0,78%), giữ nước (5,63 ± 0,13 g/g), giữ dầu (2,19 ± 0,02 g/g), tạo nhũ (53,47 ± 1,90%) và độ bền nhũ tốt (92,95 ± 1,58%), mang lại triển vọng lớn trong việc ứng dụng vào các sản phẩm thực phẩm.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên