Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng chịu mặn của 6 giống đậu tương (hay còn gọi đậu nành, Glycine max L.) gồm 4 giống đậu tương khảo sát Ankur, MTĐ 305, HL 09-10, VX 87-09-1, giống MTĐ 176, FH 92-3 được sử dụng làm giống đối chứng mẫn cảm và đối chứng chống chịu tương ứng. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên hai nhân tố (6 giống đậu tương và 2 mức độ mặn) với 4 lần lặp lại. Đậu tương được trồng trong chậu chứa 10 kg đất thu từ đất canh tác lúa tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Khi cây đạt 35 ngày sau khi gieo (NSKG), được tưới nước sông pha nước ót có độ mặn 2‰ chu kỳ 3 ngày, sau đó tăng lên 4‰ và được duy trì liên tục trong 12 ngày tiếp theo (tổng cộng thời gian phơi nhiễm mặn là 15 ngày), sau đó tưới nước ngọt đến khi thu hoạch. Kết quả cho thấy, độ mặn 4‰ trong nước tưới chưa ảnh hưởng đến chiều cao cây, chiều dài rễ, số đốt và số hạt trên quả, nhưng làm giảm nhẹ số cành hữu hiệu, tổng số quả/cây, khối lượng 100 hạt và năng suất của các giống khảo sát. Bốn giống đậu tương khảo sát có khả năng chịu mặn 4‰ khá tốt và duy trì năng suất. Dựa vào sự ảnh hưởng mặn đến năng suất hạt và năng suất đạt được, các giống được sắp xếp theo thứ tự giảm dần là HL 09-10 = FH92-3 > VX 87-09-1 > Ankur > MTĐ 305 > MTĐ 176. Cần tiếp tục thử nghiệm với thời gian phơi nhiễm mặn dài hơn nhằm đánh giá tổng quan hơn về khả năng chịu mặn của chúng
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên