Các kênh trong nội ô đô thị đang bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt không được xử lý mà xả trực tiếp vào các kênh. Do đó, nước thải sinh hoạt cần phải xử lý để làm giảm hàm lượng các chất ô nhiễm đến mức cho phép trước khi thải ra môi trường. Giải pháp sử dụng thực vật là một lựa chọn phù hợp do thân thiện với môi trường, rẻ tiền, dễ thiết kế và vận hành. Hai loài cây Bách thủy tiên và Chuối hoa được trồng trên bè nổi thiết kế bằng các chai nhựa xử lý nước kênh đô thị. Các thông số môi trường nước được đánh giá mỗi ngày trong thời gian lưu nước mỗi mẻ là 7 ngày. Các giá trị của pH, độ kiềm, EC, TDS đều nằm trong giới hạn cho phép. Hàm lượng oxy hòa tan được cải thiện sau 7 ngày. Hàm lượng N-NH4+ và P-PO43- trong nước sau xử lý giảm theo thời gian và giảm đáng kể sau 7 ngày xử lý, đạt QCVN 08: 2015/BTNMT cột B1, trong khi N-NO2- và N-NO3- đạt cột A1. Hiệu suất xử lý tổng đạm hòa tan (TIN), tổng lân và COD đạt cao nhất ở nghiệm thức trồng Chuối hoa (lần lượt là: 78,6-97,5%; 85,4-91,3% và 50,0-57,1%), tiếp theo là Bách thủy tiên (lần lượt là: 79,6-86,4%; 73,5-86,5% và 25,5-50,8%) và thấp nhất là nghiệm thức không cây (66,4-76,7%; 59,8- 82,0% và 25,0-39,6%). Hai loài cây sinh trưởng và phát triển rất tốt trong nước có hàm lượng chất ô nhiễm cao thể hiện qua tăng chiều cao cây, chiều dài rễ và sinh khối cây. Kết quả cho thấy hai loài cây trồng trên bè nổi có tính khả thi trong giảm hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải vừa tạo cảnh quan đẹp cho khu đô thị do chúng có hoa nhiều màu sắc. Ngoài ra, việc tái sử dụng chai nhựa làm bè nổi là giải pháp giảm phát thải nhựa ra môi trường hướng đến đô thị xanh và bền vững
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên