Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng môi trường đất, nước và đa dạng sinh học tại ba khu bảo tồn (KBT) thuộc đồng bằng sông Cửu Long bao gồm KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, KBT Loài – Sinh cảnh Phú Mỹ và Rừng tràm Trà Sư, bằng phương pháp kế thừa các kết quả nghiên cứu đã công bố trước đó. Kết quả cho thấy, nguồn nước mặt tại các KBT có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng và nhiễm sắt thông qua nồng độ các chất ô nhiễm BOD, COD, NH4+-N, TN, TP và Fe2+ vượt ngưỡng khuyến nghị an toàn. Trong đó, Rừng tràm Trà Sư có chất lượng nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Đất tại các KBT có tính axit, thuộc loại đất chua. Các chỉ tiêu pH, EC và Al3+ trong đất có xu hướng ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của thực vật. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất bao gồm chất hữu cơ, TN, TP dao động từ mức nghèo đến cao, trong khi P dễ tiêu và K+ trao đổi ở mức thấp. Trong ba khu vực nghiên cứu, KBT Loài – Sinh cảnh Phú Mỹ có chất lượng đất thấp nhất. Đối với đa dạng sinh học, các KBT được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao, bao gồm nhiều loài động thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm hiện diện tại các khu vực này. Đa dạng sinh học tại ba KBT có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và sinh vật ngoại lại. Từ đó, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của vùng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên