Nghiên cứu này được thực hiện năm 2022 nhằm đánh giá thành phần loài, đặc điểm phân bố và mức độ xâm hại của các loài sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh An Giang. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát theo tuyến và ô tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 9 loài động vật ngoại lai thuộc 8 bộ và 9 họ của 3 ngành: Thân mềm (Mollusca), Chân khớp (Athropoda) và động vật có dây số (Chordata); 12 loài thực vật ngoại lai thuộc 6 bộ và 8 họ của ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta), trong đó có 10 loài thuộc nhóm xâm hại và 11 loài thuộc nhóm có nguy cơ xâm hại được quy định tại Phụ lục I và II của Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT. Các loài ngoại lại xuất hiện tại 6 sinh cảnh bao gồm đất ở, đất trồng, ruộng lúa, ven đường, vườn và dưới nước trên khắp địa bàn tỉnh An Giang. Theo đơn vị hành chính, 3 đơn vị hành chính có số lượng loài ngoại lai xuất hiện nhiêu nhất là thành phố Châu Đốc, huyện Châu Thành và huyện Châu Phú. Nếu xếp theo sinh cảnh, thì sinh cảnh dưới nước có nhiều loài ngoại lai xuất hiện nhất. Các loài ngoại lai này đã tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và hoạt động sản xuất của người dân. 5 loài ngoại lai xâm hại mạnh nhất đã được xác định, bao gồm Ốc bươu vàng, Ruồi đục quả, Mai dương, Bọ cánh cứng hại dừa và Lục bình. Đồng thời, nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp kiểm soát sinh học, vật lý và hoá học cụ thể cho từng loài ngoại lại xâm hại. Kết quả này là cơ sở cho các cơ quan chức năng tỉnh An Giang đưa ra những quyết định kịp thời đề ngăn chặn sự xâm lắn của các loài ngoại lai.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên