Sự thiếu hụt lân là trở ngại phổ biến trên một số loại đất, đặc biệt là đất phèn khi lân bị cố định bởi nhôm và sắt. Vi khuẩn hòa tan lân được quan tâm nghiên cứu gần đây nhờ khả năng chuyển hóa lân từ dạng không hữu dụng thành hữu dụng cho sự hấp thu của cây trồng. Trong nghiên cứu này, việc phân lập các dòng vi khuẩn có khả năng hòa tan lân dưới dạng phức hợp với nhôm cũng như đánh giá khả năng hòa tan lân và định danh các dòng vi khuẩn phân lập đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sử dụng phân hóa học, tối ưu khả năng cung cấp lân từ đất. Kết quả phân lập được 75 dòng vi khuẩn có khả năng hòa tan lân trên các ruộng trồng lúa và mía/dứa ở vùng đất phèn tại Hậu Giang và Đồng Tháp và chia làm ba nhóm hình thái tế bào khác nhau gồm: hình cầu, hình que và hình cầu dẹt. Đánh giá khả năng hòa tan lân của các dòng vi khuẩn chọn lọc cho thấy hàm lượng lân hòa tan đạt cao nhất đến 73,25 ± 0,57 mg/L P và thấp nhất đạt 9,72 ± 0,59 mg/L P. Các nghiệm thức có vi khuẩn đều có hàm lượng lân hòa tan cao hơn nghiệm thức đối chứng, khác biệt ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Các dòng vi khuẩn được định danh (với mức độ tương đồng đạt 99%) chủ yếu nằm trong nhóm vi khuẩn Serratia marcescens (70%), còn lại thuộc nhóm Burkholderia vietnamensis. Từ khóa: Burkholderia vietnamensis, đất phèn, lân cố định trên nhôm, Serratia marcescens, vi khuẩn hòa tan lân.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên