Hoa chuông (Sinningia speciosa (G. Lodd.) Hiern), họ Gesneriaceae là một trong những loài hoa lạ, hấp dẫn vì vẻ đẹp về màu sắc và hình dáng cũng như độ bền của hoa. Nghiên cứu sử dụng đoạn thân của cây hoa chuông in vitro xử lý EMS (Ethyl Methane Sulfonate) với các nồng độ (0%; 0,4%; 0,8%; 1,2% và 1,6%) trong 1 giờ và 1,5 giờ. Kết quả ghi nhận nghiệm thức (NT) có kiểu hình khác biệt so với đối chứng là các mẫu xử lý EMS với các nồng độ (0,4%; 0,8%) trong 1 giờ và 1,5 giờ. Kỹ thuật ISSR (Inter simple sequence repeat) được sử dụng để khảo sát khác biệt di truyền 8 cây hoa chuông được tái sinh từ các nghiệm thức xử lý EMS ở các nồng độ khác nhau so với mẫu đối chứng. Với 8 mồi ISSR sử dụng ghi nhận tổng cộng 250 băng có kích thước 242-2276 cặp nucleotide trung bình thu được 31,25 băng/mồi. Số băng đơn hình 14,5 băng/mồi, chiếm 46,4%, số băng đa hình 16,75 băng/mồi, chiếm 53,6%. Chỉ số PIC trung bình thu được là 0,24. Giản đồ phả hệ dựa trên dấu ISSR cho thấy có sự khác biệt về mặt di truyền giữa các mẫu đoạn thân cây hoa chuông với hệ số tương đồng thấp nhất 44,44% ở mẫu cây hoa chuông xử lý EMS 0,8% trong 1giờ.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên