Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá kết quả cải thiện môi trường và thu nhập của mô hình biogas kết hợp nuôi cá sặc rằn (Trichopodus pectoralis) với bèo (Pistia stratiotes) và ốc (Pila occidentalis) tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Về mặt môi trường, nước thải sau khi được xử lý bằng túi ủ biogas có nồng độ các chất ô nhiễm cao (COD, N-NH4+, TKN, TP lần lượt là 1967,2±132,9 mg/L, 127,3±4,8 mg/L, 576,4±10,6 mg/L và 423,9±49,3 mg/L) không đạt tiêu chuẩn xả thải vào nguồn tiếp nhận là nước sông. Tuy nhiên, nước thải này sau khi đi qua hệ thống ao nuôi bèo-ốc-cá thì nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sau túi ủ biogas giảm đạt giá trị tương ứng là 35,4±7,2 mg/L, 1,9±0,6 mg/L, 11,5±2,3 mg/L và 1,6±0,5 mg/L. Hệ thống ao nuôi kết hợp đã giữ lại ước tính đến 99% lượng chất thải và nước trong ao phù hợp cho sự phát triển của cá, ốc và các loài sinh vật khác. Bên cạnh đó, thu nhập tăng thêm trung bình mỗi tháng của hộ gia đình kể từ tháng thứ sáu là 983.000 đồng/tháng. Kết quả đã chỉ ra rằng hệ thống ao nuôi kết hợp đã xử lý nước thải hiệu quả và còn được tận dụng để nuôi cá, ốc góp phần giải quyết vấn đề môi trường ở nông thôn và cải thiện sinh kế của nông hộ. Chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật về việc lắp đặt và vận hành túi ủ biogas, ổn định đầu ra của sản phẩm từ mô hình. Trong tương lai, cần tiếp tục nghiên cứu tính bền vững và khả năng nhân rộng mô hình biogas kết hợp nuôi cá sặc rằn với bèo-ốc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và vùng có điều kiện tương tự.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên