Bài báo này giới thiệu một số kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp và Trường Đại học Cần Thơ về khả năng gây độc cấp tính cũng như các dấu hiệu gây độc mãn đặc biệt là khả năng gây hội chứng gan tụy do hoạt chất Cypermethrin gây ra đối với 2 loài tôm nuôi nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Độ độc cấp tính của thuốc được xác định thông qua trị số LC50 của thuốc và độ độc mãn tính được xác định thông qua thí nghiệm giải phẫu mô bệnh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trị số LC50 của hoạt chất Cypermethrin đối với tôm sú Post 15 là 0,0046 mg/l; tôm sú trưởng thành là 0,0032 mg/l; tôm thẻ Post 12 là 0,0079 mg/l; tôm thẻ trưởng thành là 0,0032 mg/l. Các giá trị này đều thấp hơn trị số LC50 của chúng trên các loài thủy sản mà các công trình nghiên cứu trên thế giới đã công bố, nghĩa là độ độc của nhóm Pyrethroid đối với tôm sú và tôm thẻ là cao hơn các loài thủy sinh khác như cá chép, cá hồi, cá quả, tôm hùm. Ví dụ LC50 đối với tôm sú trưởng thành là 0,001mg/ kg (Flegel, 1992); cá chép là 0,9-1,1mg/ kg, cá hồi nâu là 1,2mg/kg, cá hồi vân là 3,14mg/ kg (Bradbury và Coat, 1989); tôm hùm là 0,058 – 1,69mg/ kg (Burrid, 2000); cá chày là 0,4-2,2mg/ kg (Pahl & Optiz, 1999); cá rô sông Nile là 5,99mg/ kg (Sarikaya, 2009); động vật thân mềm và cá nước ngọt là 0,5-2,0mg/ kg (Stephenson, 1982).
Kết quả giải phẩu mô bệnh học đánh giá khả năng gây hội chứng hoại tử gan tụy của thuốc Cypermethrin cho thấy khi tiếp xúc ở nồng độ thấp (10%-60% so với trị số LC50), tôm có sự biến đổi trên vùng gan tụy ở các mẫu thu ở ngày thứ 10 và ngày thứ 20 sau xử lý thuốc. Biểu hiện của sự biến đổi là hiện tượng tế bào máu tập trung xung quanh vùng gan tụy và một số thay đổi về cấu trúc của ống gan tụy. Khi cho tiếp xúc ở nồng độ thuốc cao hơn (80% giá trị LC trở lên), phần lớn tôm bị chết cấp tính trong vòng 10 ngày sau tiếp xúc với thuốc.