Hiện nay, rác thải nhựa là một trong những tác nhân mới gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá số lượng, khối lượng và thành phần hóa học của rác thải nhựa bị rơi vãi trên vỉa hè, thảm cỏ ở xung quanh kênh dẫn và xung quanh hồ, cũng như tích tụ trên mặt nước ở kênh dẫn và lòng hồ Xáng Thổi (phường An Cư, thành phố Cần Thơ). Rác thải nhựa bị vứt bỏ trên vỉa hè, thảm cỏ xung quanh hồ được thu nhặt bằng tay và rác thải nhựa tích tụ trong lòng hồ được vớt bằng vợt trong ngày 22/10/2023. Kết quả cho thấy, rác thải nhựa bị rơi vãi và tích tụ đã ảnh hưởng đến chất lượng và cảnh quan môi trường của thủy vực đô thị. Việc ô nhiễm nhựa do các hoạt động dân sinh xung quanh hồ với số lượng mảnh đa dạng và khối lượng đáng kể. Thành phần rác nhựa rơi vãi trên vỉa hè, thảm cỏ xung quanh kênh dẫn và xung quanh hồ chiếm 76,92%; tích tụ trong lòng hồ và kênh dẫn trên 88,89%. Nhựa PP (Polypropylene) được tìm thấy rơi vãi xung quanh hồ với 76,67%; nhựa PET (Polyethylene terephthalate) được tìm thấy xung quanh kênh dẫn với 46,51%. Nhựa PET tích tụ trong lòng hồ nhiều nhất, chiếm 38,08% và nhựa PP tích tụ trong kênh dẫn chiếm 50%. Các giải pháp cần thực hiện như: Tuyên truyền, hướng dẫn người dân hạn chế vứt rác bừa bãi cũng như tăng mật độ thùng rác công cộng xung quanh hồ. Bên cạnh đó, tăng cường ý thức của người dân sử dụng vật liệu thân thiện môi trường nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Giải pháp quản lý bền vững, đồng bộ bằng cách tăng cường tái chế rác thải nhựa, sau khi định kỳ thu gom làm sạch hồ, cần được xem xét trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn như hiện nay.
Từ khóa:Hồ Xáng Thổi – thành phố Cần Thơ, ô nhiễm nhựa, rơi vãi, tích tụ, thủy vực đô thị.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên