Nghiên cứu này nhằm khảo sát ảnh hưởng của các kỹ thuật sấy đến độ ẩm, màu sắc, hàm lượng polyphenol (TPC) và flavonoid (TFC) tổng số của lá tía tô. Lá tía tô được sấy đối lưu ở 60 - 70°C, sấy chân không ở 35 - 55°C và sấy thăng hoa đến độ ẩm cân bằng. Kết quả cho thấy, mô hình hai giai đoạn (Two-term model) dự đoán chính xác quá trình sấy đối lưu, trong khi mô hình Midilli được sử dụng phỏng đoán quá trình sấy chân không. Hệ số khuếch tán ẩm (Deff) tăng dần theo sự gia tăng nhiệt độ và dao động trong khoảng 1,54 x 10-10 đến 2,34 x 10-10 m2.s-1 đối với sấy đối lưu và 1,64 x 10-10 đến 2,94 x 10-10 m2.s-1 đối với sấy chân không. Năng lượng hoạt hóa (Ea) ước tính khoảng 39,44 kJ.mol-1 đối với sấy đối lưu và 24,92 kJ.mol-1 đối với sấy chân không. Nhiệt độ sấy càng cao gây ra sự khác biệt màu sắc tổng thể (ΔE) và sự suy giảm TPC và TFC càng lớn. ΔE của lá tía tô sấy đối lưu dao động trong khoảng 11,29 - 15,81; trong khi TPC và TFC duy trì tương ứng ở mức 37,13 - 38,30% và 42,08 - 49,56% so với mẫu đối chứng (lá tía tô sấy thăng hoa). ΔE, TPC và TFC được cải thiện đáng kể khi sấy chân không (9,59 - 13,73, 40,60 - 44,16% và 61,58 - 69,40%, tương ứng). Giữa các nhiệt độ sấy, sấy chân không ở 45°C là phương pháp hiệu quả để duy trì màu sắc và hàm lượng các hợp chất sinh học của lá tía tô với thời gian sấy được rút ngắn đáng kể.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên