Để tìm ra phương pháp cải thiện chất lượng nước ao vùng đất phèn thông qua việc sử dụng chất thải hầm ủ biogas và thử nghiệm ương giống một số loài cá, đề tài “Thực nghiệm sử dụng chất thải hầm ủ Biogas để cải tạo ao ương nuôi Thủy sản trong vùng đất nhiễm phèn tỉnh Hậu Giang” được thực hiện từ tháng 3/2009 – 9/2009 tại Trung tâm Hòa An – Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy, chất thải hầm ủ Biogas tác động cải thiện chất lượng nước các ao nhiễm phèn, phát triển các mô hình ương nuôi Thủy sản. Ở thí nghiệm 1, nghiệm thức II cho kết quả tốt sau 45 ngày tác động với giá trị pH đạt 6,5, oxygen hòa tan 5,2 ppm và hàm lượng Chlorophyll-a đạt 143,05 µg/L. Trong quá trình ương, cá bột Sặc rằn và Rô đồng hoàn toàn có thể phát triển trong các ao nhiễm phèn sau thời gian cải tạo. Sau 60 ngày ương, tăng trọng của cá Sặc rằn ở nghiệm thức 1 (0,002 g/ngày) thấp hơn (p < 0,05) so với cá ương ở nghiệm thức 2 (0,051 g/ngày) và nghiệm thức 3 (0,049 g/ngày). Tỉ lệ sống và năng suất cá ương ở nghiệm thức 2 (22,19 % - 270 kg/1.000 m2) đạt tương đương với cá ở nghiệm thức 3 (22,44 % - 264 kg/1.000 m2). Đối với cá Rô đồng, có sự khác biệt (p < 0,05) về sự tăng trọng của cá ương ở nghiệm thức I (0,004 g/ngày) so với cá ương ở nghiệm thức II (0,045 g/ngày) và III (0,048 g/ngày). Tỉ lệ sống và năng suất cá Rô đồng ở nghiệm thức III cho kết quả tốt nhất (14,06 % và 161 kg/1.000 m2). Trong các phương thức tác động cải tạo ao nhiễm phèn, phương thức sử dụng 75 % nước thải hầm ủ Biogas (153 m3/1.000 m2) mang lại hiệu quả tốt nhất về mặt kỹ thuật và chất lượng nước ao ương nuôi Thủy sản.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên