Nghiên cứu tiền xử lý lục bình bằng các dung dịch khác nhau để sản xuất khí sinh học được thực hiện trên mô hình ủ yếm khí theo mẻ quy mô phòng thí nghiệm. Lục bình được tiền xử lý bằng (i) nước thải biogas, (ii) nước bùn đen, (iii) nước ao, và (iv) nước máy trước khi đưa vào bình ủ để tiến hành thí nghiệm trong 60 ngày. Kết quả đo đạc cho thấy các yếu tố môi trường (nhiệt độ, pH, thế ô-xy hóa khử và độ kiềm) trong mẻ ủ thích hợp cho quá trình hình thành khí sinh học. Tổng lượng biogas tích dồn sau 60 ngày không có sự khác biệt giữa các phương pháp tiền xử lý bằng nước bùn đen, nước biogas và nước máy, nhưng cao hơn nước ao. Lượng biogas sinh ra tập trung chủ yếu vào giai đoạn từ ngày 10 - 25, năng suất sinh khí trung bình từ 436 - 723 L/kg ODMphân hủy. Nồng độ khí mê-tan trong tuần đầu tiên thấp, sau đó tăng dần và giữ ổn định trên 50%, không có biến động lớn giữa các phương pháp tiền xử lý. Hỗn hợp phụ phẩm sau ủ vẫn còn dinh dưỡng cao, tổng ni-tơ từ 702 - 974 mg/L, tổng lân từ 690 - 1086 mg/L, COD từ 5,3 - 18,6 g/L. Tổng Coliform và Fecal Coliform giảm mạnh sau 60 ngày (> 99%) nhưng tổng vi sinh vật yếm khí vẫn còn khá cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng sử dụng nước thải biogas và nước bùn đen để tiền xử lý lục bình làm nguyên liệu nạp cho hầm ủ nâng cao hiệu suất và khả năng sinh khí biogas.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên