Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh viêm da nổi cục trên bò đã được thực hiện
trên 240 hộ nuôi với 1.049 con bò tại tỉnh Tiền Giang. Phương pháp khám lâm sàng và xét nghiệm
xác định VDNC bằng kỹ thuật PCR đã được áp dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm
VDNC tại tỉnh Tiền Giang là 25,45% trên tổng số bò khảo sát. Các yếu tố nguy cơ của bệnh VDNC ở
trâu, bò bao gồm: Khoảng cách giữa các hộ chăn nuôi gần nhau trong khoảng 100 m có nguy cơ mắc
bệnh cao hơn gấp 2,58 lần so khoảng cách lớn hơn 100 m; những hộ chăn nuôi gần chợ mua bán động
vật trong bán kính 150 m có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,27 lần so với những hộ khác; chăn thả tự do
có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 1,74 lần so với những những hình thức chăn nuôi khác; trâu, bò nuôi
ở khu vực có các vùng nước (sông, đập, hồ, ao, vùng được tưới tiêu và đầm lầy) có tỷ lệ mắc bệnh
cao hơn 1,55 lần so với ở các vùng khác; chuồng nuôi có mùng ngăn côn trùng thì nguy cơ phát sinh
bệnh giảm 1,71 lần so với chuồng nuôi không có mùng; không định kỳ vệ sinh tiêu độc, khử trùng thì
nguy cơ phát bệnh cao gấp 1,85 lần so với có định kỳ tiêu độc, khử trùng; đối với các hộ chăn nuôi
chỉ có chủ hộ trực tiếp ra/vào chuồng nuôi và không cho người lạ ra/vào khu vực chăn nuôi thì nguy
cơ nhiễm bệnh thấp hơn 2,06 lần so với hộ chăn nuôi khác; không tiêm phòng vacxin cho đàn gia
súc nuôi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,78 lần so với có tiêm phòng; trang trại chăn nuôi có ruồi thì
nguy cơ phát sinh bệnh cao gấp 1,90 lần so với trang trại không có ruồi, ở các trang trại chăn nuôi có
muỗi thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,83 lần lần so với trang trại không có muỗi.