Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiện trạng chất lượng môi trường nước kênh nội đồng ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nhằm làm cơ sở cho việc lập quy hoạch và chiến lược sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập. Nghiên cứu được thực hiện tại 3 xã Long Phú, Long Đức và Tân Hưng thuộc huyện Long Phú từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021. Kết quả ghi nhận hàm lượng TDS, EC, độ mặn, hàm lượng Na+ và K+ trong nước cao vào cuối mùa khô tháng 3 và 4 ở vị trí gần sông lớn và giảm khi đi sâu vào nội đồng và bắt đầu giảm dần ở tháng 5 và 6. Giá trị EC, độ mặn và hàm lượng Na+ trong nước mặt ở xã Long Đức (6,60 mS/cm, 4,1‰ và 1.057,0 mg/L) cao hơn 2 xã còn lại, cao nhất ở đợt 1 (10/3/2021) không phù hợp cho nước tưới. Hàm lượng COD (92,32 mg/L) và NH4-N (0,99 mg/L) trong nước mặt ở xã Long Đức cao hơn cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (nước dùng cho tưới tiêu). Bên cạnh nước bị nhiễm mặn, chất lượng môi trường nước kênh ở xã Long Đức có dấu hiệu ô nhiễm dinh dưỡng và hữu cơ. Tuy hệ thống đê, cống ngăn mặn trong vùng thủy lợi đã được chính quyền huyện Long Đức quan tâm và nâng cấp để hạn chế sự xâm nhiễm mặn nhưng vẫn có dấu hiệu nước bị nhiễm mặn vào những tháng mùa khô, do đó, người dân có thể thay đổi lịch xuống giống, gieo sạ hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng chịu mặn trong khoảng tháng 3 đến tháng 6.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên