Xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có địa hình trũng thấp, nơi độc chất phèn tích tụ hình thành vùng phèn nặng điển hình ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên đất này, độc chất phèn (a-xít sul-phu-ric) được thành lập do sự ô-xít hóa chất sinh phèn (pyrite) ở các tầng đất bên dưới khi đất bị khô. Đất phèn làm giảm năng suất lúa do pH thấp, ngộ độc lưu huỳnh (S2-), nhôm (Al3+), sắt (Fe2+)…, và thiếu lân (P) hữu dụng cho cây trồng. Phân lân đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao năng suất lúa trên đất phèn. Đề tài "Ảnh hưởng của các liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa trồng trên đất phèn Hòa An – Phụng Hiệp – Hậu Giang" được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014, nhằm mục tiêu xác định liều lượng phân lân thích hợp cho canh tác lúa trên vùng đất phèn. Đề tài được thực hiện bởi 3 thí nghiệm, trong đó 2 thí nghiệm được thực hiện tại Nông trại thực nghiệm khoa Phát triển Nông thôn, bao gồm 5 nghiệm thức phân lân: P00, P20, P40, P60, P80 (00, 20, 40, 60, 80 kg P2O5/ha) trên giống lúa MTL480. Kết quả đã xác định hàm lượng phân lân 60 kg P2O5/ha (P60) là thích hợp nhất cho canh tác lúa trên vùng đất phèn, với sự khác biệt rất có ý nghĩa về năng suất và khả năng chống chịu phèn tốt hơn so với các nghiệm thức có hàm lượng phân lân thấp hơn. Nhằm kiểm định lại kết quả trong điều kiện thực tế, thí nghiệm tiếp theo được thực hiện trên ruộng nông dân theo từng khu vực thuộc xã Hòa An, bao gồm 3 nghiệm thức phân lân là P00 (đối chứng không bón lân) , P40 (đối chứng bón theo nông dân) và P60 (bón theo khuyến cáo). Kết quả cũng xác định hàm lượng phân lân 60 kg P2O5/ha là thích hợp nhất cho canh tác lúa trên vùng đất phèn Hòa An – Phụng Hiệp – Hậu Giang, với sự khác biệt rất có ý nghĩa về năng suất và khả năng chống chịu phèn tốt hơn so với hàm lượng phân lân bón theo nông dân 40 kg P2O5/ha và đối chứng không bón lân.
Trích dẫn: Nguyễn Thành Trực, 2019. Chọn giống lúa thích nghi trên vùng đất phèn Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 55(2B): 1-8.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên