Mô hình luân canh đậu tương (hay đậu nành) trên đất lúa giúp cải tạo đất, giảm chi phí phân bón và gia tăng lợi nhuận đang bị giới hạn ở các vùng bị xâm nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Chọn giống đậu nành có khả năng chịu mặn là yếu tố quyết định giúp nhân rộng mô hình luân canh lúa - đậu nành. Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và tiềm năng năng suất của ba dòng đậu nành chịu mặn BC3F4 gồm 1500, 1600-1 và 1600-2, mang gen trội Ncl giúp hạn chế vận chuyển cation Na+ từ rễ lên chồi, trồng trong chậu đất. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu thừa số hai nhân tố hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại trong điều kiện nhà lưới. Trong đó, nhân tố thứ nhất là các dòng/giống 1500, 1600-1, 1600-2, MTĐ 176, MTĐ 878-2 và NILs72-T và nhân tố thứ hai là nước sông nhiễm mặn nhân tạo ở nồng độ 0 và 120 mM. Thí nghiệm sử dụng muối NaCl pha với nước sông để đạt nồng độ mặn 120 mM (quy đổi tương đương độ mặn 6,19‰ và EC = 9,68 mS/cm). Kết quả ghi nhận mặn đã làm giảm chiều cao cây, tổng số quả trên cây, khối lượng 100 hạt và năng suất hạt của ba dòng đậu nành 1500, 1600-1 và 1600-2. Riêng dòng 1600-1 không có biểu hiện cháy lá và không biểu hiện suy giảm chỉ tiêu thành phần năng suất như tổng số quả/cây (13,33 và 11,00 quả), số hạt/quả (1,86 và 1,93 hạt) và khối lượng 100 hạt (13,57 và 11,87 g) trong điều kiện ngộ độc mặn so với nghiệm thức đối chứng. Đặc biệt, năng suất hạt của dòng 1600-1 ở nghiệm thức 120 mM NaCl chỉ giảm 25,54% so với nghiệm thức đối chứng. Dòng đậu nành 1600-1 biểu hiện là dòng chịu mặn triển vọng cần tiếp tục thử nghiệm ở các mùa vụ và vùng nhiễm mặn tự nhiên nhằm đánh giá tính ổn định trước khi đưa vào thực tiễn.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên