Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá độ phì nhiêu đất trồng lúa và hiệu quả của phân bón vô cơ kết hợp với phân bã bùn mía trên năng suất lúa trong vùng đê bao lâu năm tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức, với 3 lần lặp lại, liều lượng phân bón trong mỗi nghiệm thức: (1) đối chứng theo tập quán nông dân (224 kg N + 148 kg P2O5).ha-1, (2) bón theo nông dân + 6 tấn/ha phân bò ủ rơm, (3) bón theo nông dân + 6 tấn/ha phân bò ủ rơm vùi sâu 15 cm, (4) bón theo nông dân + 2 tấn/ha phân hữu cơ bã bùn mía. Qua phân tích hàm lượng dưỡng chất của các mẫu đất cho thấy việc bón phân vô cơ kết hợp với phân bã bùn mía giúp cải thiện độ chua đất, độ dẫn điện, hàm lượng chất hữu cơ, hàm lượng đạm tổng số, tăng kali trao đổi và tăng magiê trao đổi và đạt năng suất lúa cao nhất, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức bón phân hữu cơ ủ rơm và nghiệm thức bón phân vô cơ. Tuy nhiên, hàm lượng lân tổng số, lân dễ tiêu, natri trao đổi và canxi trao đổi chưa cải thiện đáng kể. Nhìn chung, việc bón phân vô cơ kết hợp bón phân bã bùn mía là biện pháp tốt giúp cho việc cải thiện tình trạng cung cấp chất dinh dưỡng từ đất và gia tăng năng suất lúa vùng đất trong đê bao.
Trích dẫn: Nguyễn Thị Phương Đài, Võ Quang Minh và Lê Văn Khoa, 2017. Đánh giá tiềm năng suy giảm độ phì nhiêu đất tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Số chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khí hậu (2): 11-17.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên