Sử dụng bè nổi thực vật cải thiện môi trường nước ô nhiễm đã và đang được quan tâm trên thế giới và Việt Nam. Nghiên cứu được triển khai trong điều kiện thí nghiệm nhà lưới nhằm tuyển chọn giống Chuối hoa lai (Canna generalis) có tiềm năng sinh trưởng tốt và có hiệu suất xử lý đạm, lân trong nước thải đô thị cao. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức bao gồm 3 giống Chuối hoa: Hoa hồng, hoa đỏ, hoa cam và nghiệm thức không cây (đối chứng), 4 lần lặp lại. Sau 8 tuần thí nghiệm, 3 giống Chuối hoa đều có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong nước thải đô thị. Trong đó, giống Chuối hoa cam phát triển tốt hơn 2 giống còn lại và cho sinh khối tươi cao nhất, đạt 602,3 g/cây trong 8 tuần thí nghiệm, cao hơn 1,5 lần so với Chuối hoa đỏ (396,8 g/cây) và 2,5 lần so với Chuối hoa hồng (254,1 g/cây), tăng gấp 18,9; 9,4; 7,5 lần so với cây trồng ban đầu. Hàm lượng tổng đạm hòa tan (TIN) và tổng lân (TP) trung bình trong nước trước khi đưa vào hệ thống xử lý là 19,07 và 2,55 mg/L, sau 7 ngày giảm xuống còn 0,30 - 0,91 mg/L TIN và 0,21 - 0,46 mg/L TP. Hàm lượng TP sau xử lý ở Chuối hoa hồng vẫn còn cao hơn 1,5 lần so với QCVN 08:2023/BTNMT (Bảng 2, cột B; TP £ 0,3 mg/L). Hiệu suất xử lý của Chuối hoa cam, hoa đỏ và hoa hồng đạt 95,6; 95,7; 88,3% TIN và 74,4; 72,3; 46,9% TP, cao hơn so với nghiệm thức đối chứng (89,0% TIN và 38,5% TP), thể hiện được vai trò của thực vật trong việc hấp thu đạm, lân. Có thể chọn giống Chuối hoa cam để trồng thử nghiệm trên mô hình thực tế, đặc biệt là trong các kênh, hồ chứa nước thải đô thị, vừa góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường nước, vừa tạo cảnh quan đô thị.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên