Tác dụng của các hợp chất có hoạt tính sinh học trong thực vật được thể hiện dựa trên khả năng chống oxy hóa, giúp giảm thiểu tác hại gây ra bởi các gốc tự do sinh ra từ quá trình hình thành và phát triển sỏi niệu. Chiết xuất diệp hạ châu chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hấp phụ và trung hòa các gốc tự do. Hoạt tính chống oxy hóa này phần lớn có thể là do thành phần phenolic và flavonoid có chứa trong thực vật với hàm lượng lần lượt là 438,13±16,37 (mg GAE/g cao chiết) và 157,10±1,31 (mg QE/g cao chiết). Khả năng kháng oxy hóa được đánh giá qua 4 phương pháp DPPH, ABTS, RP, TAC với giá trị EC50 lần lượt là 129,74±3,05; 82,35±1,25; 196,03±6,66 và 40,32±2,78 µg/mL. Cao chiết diệp hạ châu giúp giảm biến tính protein albumin huyết thanh bò với IC50 là 1,52±0,28 mg/mL, thấp hơn 7,24 lần so với chất chuẩn diclofenac (0,21± 0,08 mg/mL). Sự tạo mầm của tinh thể calcium oxalate bị ức chế bởi chiết xuất từ diêp hạ châu với IC50 là 4,74±0,31 mg/mL. Những kết quả này cho thấy diệp hạ châu có thể xem là một dược liệu tiềm năng để điều trị sỏi tiết niệu.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên