Các đặc tính vật lý như khối lượng trái, tỷ lệ khối lượng các phần của quả, chiều dày múi, màu sắc, độ cứng, biểu hiện cảm quan bên ngoài (màu sắc vỏ quả, hình dạng gai, âm thanh khi vỗ quả) và chất lượng cảm quan bên trong (màu sắc của thịt quả và xơ, kích thước múi, cấu trúc thịt quả, mùi vị thịt quả) mít Thái tại các vùng trồng ở Hậu Giang (huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy) được đánh giá ứng với hai độ chín (độ chín I - già: 90-105 ngày, độ chín II - chín: 105-125 ngày sau đậu trái). Khi mít chuyển từ già sang chín khối lượng quả, tỷ lệ phần ăn được, xơ, cùi và vỏ quả không khác biệt; Chiều dày múi và độ cứng có xu hướng giảm (lần lượt là 10,7-28,6% và 54,8-59,2%); tỷ lệ hột có xu hướng tăng (6,9-15,9%); Màu vỏ quả chuyển từ xanh phớt vàng sang từ xanh hơi vàng đến vàng; gai và bề mặt vỏ quả từ hơi phẳng sang khá dẹt, âm thanh vỗ vào quả từ hơi trong, vang sang trầm và hơi đục; xơ chuyển từ màu trắng hơi vàng sang hơi vàng đến vàng, thịt quả từ cứng đến chắc thịt và hơi mềm, màu chuyển từ hơi vàng sang hơi vàng đến vàng, mùi từ hơi thơm sang rất thơm và vị từ nhạt đến rất ngọt. Mít trong vùng Ngã Bảy và Phụng Hiệp có khuynh hướng cho tỷ lệ thịt quả cao (tương ứng với 38,18-39,49 và 36,12-39,14%), tỷ lệ hột thấp (11,1-11,9 và 10,8-12,3%), mít trong vùng Phụng Hiệp có khuynh hướng cho trọng lượng cũng như chiều dày múi cao (20,2-34,5 g và 5,6-7,9 mm). Mít trong vùng Ngã Bảy cho khuynh hướng cho màu sắc thịt quả và xơ nhạt hơn. Mít từ các vùng trồng Hậu Giang có đặc tính vật lý và chất lượng cảm quan tốt, phù hợp để chế biến các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên