Do biến đổi khí hậu và các nguyên nhân khác, nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đang phải đối phó với các thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra như động đất, sóng thần, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và đại dịch như COVID-19. Ngày nay, quản lý rủi ro thiên tai là một nhiệm vụ quan trọng của các chính phủ cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng. Các phương tiện truyền thông không chỉ đóng vai trò nòng cốt trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra mà còn có trách nhiệm nâng cao nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn và các biện pháp hạn chế tác động xấu của thiên tai. Giám sát và phản biện xã hội là chức năng đặc biệt quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, bằng cách nào các phương tiện truyền thông có thể lấy được lòng tin của công chúng khi đưa tin về thảm họa? Ngay cả những quốc gia có nhiều kinh nghiệm đối phó với thiên tai như Mỹ và Nhật Bản cũng từng vấp phải sự chỉ trích của dư luận về các chiến lược truyền thông của họ trong những thời điểm khó khăn. Mặc dù trong thời điểm xảy ra thảm họa, mọi người thường hoảng loạn và yêu cầu phản ứng ngay lập tức, nhưng luôn cần có thời gian để tìm ra nguyên nhân đằng sau một thảm họa. Bài viết này thảo luận truyền thông về thảm họa ở Việt Nam thông qua việc phân tích các trường hợp cụ thể như truyền thông trong đợt lũ lụt ở miền Trung năm 2020. Sau đó, bài viết sẽ trình bày nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho vấn đề lấy lòng tin của công chúng. Các phương pháp được áp dụng trong bài viết bao gồm phương pháp phân tích nội dung và nghiên cứu trường hợp, phân tích 355 bài báo trong năm 2020-2021 về chủ đề lũ lụt miền Trung được khảo sát tại hai tờ báo điện tử có số lượng người đọc lớn tại Việt Nam là VnExpress (báo tiếng Việt nhiều người xem nhất) và Tuổi Trẻ Online (top 5 báo điện tử và trang thông tin điện tử có lượt truy cập nhiều nhất năm 2020).
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên