Bệnh thán thư dưa leo do nấm Colletotrichum lagenarium gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng dưa leo. Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát hiệu quả giảm bệnh và hoạt tính enzyme catalase (CAT), phenylalanine ammonia-lyase (PAL) liên quan đến cơ chế kích thích kháng bệnh bằng biện pháp xử lý hạt với hai chủng vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens VL4.6 và Bacillus siamensis CL8. Tỷ lệ phối trộn vi khuẩn được khảo sát ở năm tỷ lệ: 1:0, 1:1, 1:2, 2:1 và 0:1 với mật số 108 tế bào/mL. Tỷ lệ diện tích lá bệnh ghi nhận mỗi 24 giờ trong 7 ngày sau chủng bệnh. Tỷ lệ phối trộn 1:1 cho hiệu quả giảm bệnh cao nhất với tỷ lệ diện tích lá bệnh là 7,5% (vi khuẩn – chủng bệnh) tương đương với đối chứng dương 6,8% (CaCl2 – có chủng bệnh) và thấp hơn so với đối chứng âm 30,7% (nước – chủng bệnh) tại 7 ngày sau chủng bệnh. Hoạt tính CAT và PAL trong mô lá được tăng lên khi xử lý với hỗn hợp vi khuẩn, đặc biệt trong trường hợp mầm bệnh tấn công cây. Hoạt tính CAT và PAL đạt cực đại trong mô lá sau 4 ngày chủng bệnh. Kết quả cho thấy, phối trộn B. amyloliquefaciens VL4.6 và B. siamensis CL8 với tỷ lệ 1:1 (mật số 108 tế bào/mL) là nghiệm thức cho hiệu quả giảm bệnh tốt nhất.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên