Nấm rễ nội sinh là loài hiếu khí có thể sinh trưởng trong điều kiện thoáng khí tốt hoặc ngập nước. Sự hiện diện và tầm quan trọng giữa mối quan hệ cộng sinh nấm rễ nội sinh và rễ lúa được chú ý trong những năm gần đây. Nấm rễ nội cộng sinh có vai trò tái tạo, tăng cường cấu trúc đất, kháng lại stress do mặn, hạn hán và tác động đến thành phần vi sinh vật đất. Nghiên cứu được triển khai nhằm (i) đánh giá sự xâm nhiễm AMF bên trong rễ lúa với Tryphan blue 0,05 % kết hợp kỹ thuật microwave và phân lập bào tử trong đất bằng phương pháp rây ẩm kết hợp ly tâm trong sucrose 50 %; (ii) Đánh giá khả năng tái xâm nhiễm AMF bên trong rễ lúa trong phòng thí nghiệm; (iii) Đánh giá hiệu quả của các dòng nấm rễ đến sự sinh trưởng của cây lúa trong điều kiện nhà lưới và năng suất trong điều kiện canh tác ngoài đồng ruộng; (iv) Định danh đến chi các dòng nấm rễ phân lập bằng phương pháp hình thái bào tử. Kết quả nghiên cứu xác định được tỷ lệ xâm nhiễm của các mẫu rễ lúa thu ngoài đồng ruộng dao động từ 30 - 70 % và 12 dòng nấm rễ nội cộng sinh phân lập được có tỷ lệ tái xâm nhiễm cao 70 - 100 %. Thí nghiệm đã tuyển chọn được 2 dòng nấm rễ nội cộng sinh giúp tăng cường khả năng chống chịu mặn hiệu quả trong đất trong điều kiện nhà lưới là VTLT13-ĐT8-07 và VTTL15-OM2517-09. Trong đó, dòng nấm rễ VTLT13-ĐT8-07 được ứng dụng trong canh tác lúa OM5451 trên nền đất nhiễm mặn góp phần tăng năng suất so với nghiệm thức đối chứng là 1,55 lần. Dựa vào đặc điểm hình thái các dòng bào tử phân lập được phân loại thuộc 2 chi là Acaulospora và Gigaspora.
Từ khóa: AMF, huyện Vĩnh Thuận, năng suất lúa, nấm rễ nội cộng sinh, OM5451.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên