Bột huỳnh quang Sr4Al14O25 đồng pha tạp Mn4+ và Na+ đã được nghiên cứu và chế tạo thành công bằng phương pháp đồng kết tủa. Cấu trúc pha, hình thái bề mặt, thành phần và tính chất quang của vật liệu đã được nghiên cứu và khảo sát bằng phương pháp nhiễu xạ tia X, kính hiển vi điện tử quét và phổ huỳnh quang. Phổ huỳnh quang cho thấy bột huỳnh quang phát quang mạnh vùng phổ đỏ với đỉnh phát quang cực đại tại 654nm trong vùng phổ rộng từ 640nm đến 720nm ứng với nồng độ pha tạp tối ưu là 0,04% mol Mn4+ và 7% mol Na+. Vùng phát quang ánh sáng đỏ này là do các chuyển dời liên quan đến lưỡng cực điện của điện tử từ các mức 2Eg tới 4A2g của Mn4+ nằm tại vị trí D3d của mạng nền Sr4Al14O25. Khảo sát ảnh hưởng của Na+ lên bột huỳnh quang cho thấy Sr4Al14O25 đồng pha tạp Mn4+ và Na+ có cường độ huỳnh quang tăng mạnh so với Sr4Al14O25 pha tạp Mn4+. Phổ kích thích huỳnh quang của vật liệu Sr4Al14O25 đồng pha tạp Mn4+ và Na+ cho thấy vật liệu này hấp thu mạnh vùng bước sóng tử ngoại với đỉnh cực đại tại 325nm và mở rộng đến vùng bước sóng từ 400nm đến 500nm với cực đại tại 460nm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng bột huỳnh quang Sr4Al14O25 đồng pha tạp Mn4+ và Na+ có tiềm năng ứng dung trong điốt phát quang ánh sáng trắng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên