Ngành nuôi tôm mang lại nhiều giá trị kinh tế cao nhưng cũng phát sinh nhiều chất thải và nước thải ra môi trường. Các phương pháp xử lý truyền thống có nhược điểm là tốn diện tích và chi phí năng lượng. Vì vậy, nghiên cứu về công nghệ xử lý nước phù hợp vừa tiết kiệm chi phí năng lượng vừa mang lại giá trị kinh tế là cần thiết. Nghiên cứu sử dụng tảo Chlorella vulgaris kết hợp với bể phản ứng quang sinh học màng (PMBR) để kiểm tra sự thích nghi trong môi trường nước mặn 13‰ và đánh giá khả năng xử lý nước thải nuôi tôm. Trong 40 ngày thí nghiệm, các chỉ số được phân tích như nitrat (N-NO3-), nitrit (N-NO2-), amoni (N-NH4+), phốt pho (P-PO43-); số lượng tế bào tảo (tế bào/mL) và sinh khối tảo (mg/mL) được kiểm soát trong toàn bộ mô hình. Kết quả ban đầu cho thấy tảo thuần chủng thích nghi tốt với độ mặn nước thải nuôi tôm, cao nhất ở mức hơn 11×106 tế bào/mL, tương đương sinh khối gần 600 mg/mL. Với chế độ chạy không tiêu tốn năng lượng cấp khí, hiệu suất khử N-NO2-, N-NO3-, N-NH4+, P-PO43- của mô hình với nước thải nuôi tôm lần lượt là 56, 76,15, 65 và 78,07%.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên