Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã từng bước mang lại hiệu quả đối với người nông dân, không chỉ nâng cao chất lượng nông sản mà còn đa dạng hóa mô hình sản xuất ở Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, thích ứng với nền nông nghiệp thuận thiên. Nghiên cứu dựa trên phương pháp tổng hợp, phân tích và đánh giá các mô hình sản xuất nhằm mô tả bức tranh tổng thể của sự chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vùng. Kết quả phân tích cho thấy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ có xu hướng giảm sản lượng từ 5-34% so với sản xuất nông nghiệp có sử dụng hoá chất tổng hợp. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng này cũng không ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh lương thực. Kết quả phân tích cũng cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sự đa dạng hệ sinh học trên đồng ruộng và quá trình suy thoái đất diễn ra chậm hơn so với nông nghiệp có sử dụng hóa chất tổng hợp. Ở khía cạnh thị trường, sản phẩm hữu cơ có xu hướng gia tăng sự lựa chọn trong những năm gần đây, ở năm 2017, nghiên cứu cho thấy thị trường nông sản hữu cơ tăng 20% do người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng nông sản hữu cơ không chứa hàm lượng chất tăng trưởng và dư lượng thuốc hóa học, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng gia tăng giá trị nông sản, một số chính sách được gợi mở bao gồm (1) hoàn thiện quy trình sản xuất và bộ tiêu chuẩn cho nông sản hữu cơ; (2) tăng cường thương hiệu cho nhóm hàng nông sản hữu cơ và (3) quy hoạch vùng chuyên canh nông sản hữu cơ ở ĐBSCL.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên