Những năm gần đây nghề nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, mở rộng diện tích nuôi và gia tăng vượt bậc về mặt sản lượng. Theo Tổng cục Thủy sản (2020), diện tích nuôi tôm cả nước năm 2019 đạt 720.000 ha, sản lượng tôm nước lợ đạt 750.000 tấn bằng 98,3% so với năm 2018, trong đó tôm sú đạt khoảng 270.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 480.000 tấn. Riêng tỉnh Sóc Trăng năm 2019 diện tích tôm thẻ chân trắng (TCT) có hơn 38 nghìn ha và đạt 150 nghìn tấn. Tuy mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi, nghề nuôi tôm phát sinh nhiều vấn đề bất cập liên quan đến sản xuất như dịch bệnh trên tôm, ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Để có thể quản lý tốt chất lượng nước ao nuôi, đảm bảo chất lượng phù hợp với tôm nuôi, người nuôi đã sử dụng rất nhiều chế phẩm, hóa chất để duy trì chất lượng môi trường nước và phòng trừ dịch bệnh trong suốt vụ nuôi ít thay nước. Nghiên cứu này tập trung vào việc khảo sát chất lượng nước các ao tôm vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng trong một vụ nuôi nhằm cung cấp thông tin diễn biến môi trường nước trong ao nuôi, làm cơ sở giúp cho người nuôi và các nhà quản lý đề ra những giải pháp thích hợp nhằm đảm bảo sự phát triển tôm nuôi được thành công và bền vững.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên