Rừng ngập mặn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người, góp phần bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho con người. Tuy nhiên, rừng ngập mặn đang bị suy giảm do tác động của xói lở bờ biển cũng như sự chuyển đổi sử dụng đất. Vì thế, để phục vụ công tác điều tra và kiểm kê rừng, thì việc ước lượng trữ lượng rừng nhanh chóng và chính xác là rất quan trọng. Mục tiêu của nghiên cứu này là sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel-2 để ước tính trữ lượng rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau từ năm 2016 đến 2019. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân loại dựa trên đối tượng (Object-based approach), thông qua chỉ số khác biệt thực vật (NDVI), kết hợp với số liệu khảo sát thực địa về hiện trạng và trữ lượng rừng tại khu vực nghiên cứu, đã phân loại được 2 nhóm đối tượng rừng: rừng dày (NDVI ≥ 0,7; với trữ lượng > 100 m3); rừng trung bình (0,35 ≤ NDVI < 0,7; với trữ lượng 50-100 m3). Kết quả nghiên cứu cho thấy năm 2019 rừng dày có diện tích là 7.217,7 ha, với trữ lượng là 1.105.029,9 m3, còn đối với rừng trung bình có diện tích là 1.955,94 ha, với trữ lượng là 164.103,4 m3. Trong giai đoạn 2016-2019, trữ lượng rừng dày có xu hướng tăng 151.806,3 m3, rừng trung bình có xu hướng giảm -35.738,9 m3. Độ chính xác toàn cục của kết quả phân loại đạt hơn 90%. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, chúng tôi kết luận rằng dữ liệu ảnh Sentinel-2 rất hữu ích để ước tính trữ lượng rừng ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên