Nghiên cứu nhằm xác định các rủi ro đối với môi trường của bãi chôn lấp đã đóng cửa tại TT.Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, liên quan đến kim loại nặng. Các mẫu đất được thu thập trong hai mùa ở các độ sâu khác nhau. Các mẫu này được phân tích một số đặc tính đất (pH, chất hữu cơ, tổng đạm, tổng lân, tổng kali) và kim loại nặng (Mn, Fe, Cu, Zn, Ni, Pb, Cr và As). Phân tích cho thấy đất tầng 0-20cm vào mùa mưa, là đất có môi trường acid yếu – trung tính với chất hữu cơ trung bình, đạm từ rất nghèo đến giàu, lân và kali từ rất nghèo-nghèo. Vào mùa khô, đất có tính acid yếu-trung tính, chất hữu cơ thấp, đạm, lân và kali ở mức rất nghèo-nghèo. Các đặc tính này thay đổi theo độ sâu, tầng 0-20cm có xu hướng cao hơn tầng 60-80cm. Nồng độ kim loại nặng được xếp theo thứ tự Fe>Mn>Zn>Cr>Pb>Cu>Ni>As (vào mùa mưa) và Fe>Mn>Zn>Cu>Pb>Cr>As (vào mùa khô). Tích tụ kim loại nặng (Igeo) ở hai tầng đất không có sự chênh lệch; Ni, Cr, Pb và As tích tụ ở mức không ô nhiễm - trung bình đến cao vào mùa mưa, trong khi sự tích tụ vào mùa khô chỉ có Cr và As. Chỉ số ô nhiễm tổng hợp (PLI) chỉ ra rằng các vị trí xung quanh bãi rác đều bị ô nhiễm và rủi ro sinh thái từ thấp đến trung bình (PERI=102-195) vào mùa mưa; chỉ khoảng 50% vị trí vào mùa khô ô nhiễm và rủi ro ở mức thấp (PERI=44-68). Nhìn chung, Ni, Cr, As và Pb là các kim loại nặng quan trọng ảnh hưởng đến sự biến đổi chỉ số và các rủi ro sinh thái tiềm ẩn. Hơn 5 năm sau khi đóng cửa bãi rác, có những dấu hiệu cho thấy việc di chuyển nước rỉ rác có thể vẫn diễn ra xung quanh bãi rác và tiềm ẩn nguy cơ tính tụ kim loại nặng trong đất và cây trồng. Các nghiên cứu tiếp theo cần tập trung vào khả năng tích tụ kim loại nặng vào cây trồng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên