Bột huỳnh quang AlPO4:Eu3+ phát xạ cam-đỏ được chế tạo thành công bằng phương pháp đồng kết tủa, kết hợp với ủ mẫu trong môi trường không khí. Kết quả phân tích kính hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM) cho thấy các mẫu đều có dạng hạt và kích thước của chúng tăng dần theo nhiệt độ ủ mẫu, có giá trị cỡ 1µm đến 3µm khi ủ mẫu tại 1000 oC. Kết quả phân tích giản đồ nhiễu xạ tia X (XRD) chỉ ra rằng pha AlPO4 với chất lượng tinh thể tốt được hình thành ở các mẫu ủ ở nhiệt độ lớn hơn 700 oC. Kết quả khảo sát phổ huỳnh quang (PL) tại nhiệt độ phòng cho thấy vật liệu AlPO4:Eu3+ phát xạ mạnh trong vùng cam-đỏ xung quanh bước sóng từ 588 nm đến 594 nm. Nguồn gốc của vùng phát xạ này được giải thích là do sự chuyển mức điện tử 5D0 -7F1 của ion Eu3+. Phổ kích thích huỳnh quang (PLE) đo ở bước sóng 594 nm cho một dải hấp thụ mạnh tại ~260 nm, đặc trưng cho sự truyền điện tử từ obitan 2p của ion O2- đến trạng thái trống 4f (O2-- Eu3+) và các đỉnh hấp thụ liên quan đến chuyển dời f-f của iôn Eu3+. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ ủ mẫu và nồng độ Eu3+ pha tạp chứng tỏ cường độ huỳnh quang phụ thuộc rất mạnh vào nhiệt độ và nồng độ. Nhiệt độ tối ưu để cho cường độ PL cao nhất được tìm ra trong nghiên cứu này là 1000 oC, trong khi cường độ PL tăng dần theo nồng độ pha tạp Eu3+ tăng từ 0,5% đến 3%. Các kết quả thu được sẽ là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo nhằm ứng dụng bột huỳnh quang AlPO4:Eu3+ trong chế tạo các điốt phát quang ánh sáng trắng (w-LED) sử dung chíp UV LED 390 nm.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên