Đột biến được gây ra bằng cách sử dụng tác nhân Ethyl Methane Sulphonate là một phương pháp tạo ra biến dị di truyền dẫn đến các giống mới có đặc tính tốt hơn. Auti (2012) cho rằng một số giống đậu xanh có năng suất cao hiện nay có thể được khai thác từ các dòng đậu xanh đột biến. Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và ngoài đồng nhằm tuyển chọn được từ 2 đến 4 dòng đậu xanh đột biến ngắn ngày, năng suất cao và cho trái chín đồng loạt. Đề tài gồm các nôi dung (i) đánh giá các thành phần năng suất, năng suất và đặc tính cho trái chín đồng loạt của 19 dòng đậu xanh Taichung đột biến ở M6; (ii) kiểm tra độ thuần của 19 dòng này bằng kỹ thuật SSR; (iii) xác định trình tự gen của 3 dòng đậu xanh đột biến tốt và giống Taichung (giống gốc) bằng dấu SNPs. Thí nghiệm ngoài đồng được thực hiện vào vụ Đông Xuân 2015- 2016 tại Nông trại Thực nghiệm Khu 2 - Trường Đại học Cần Thơ. Hai mươi dòng đột biến và giống đối chứng (ĐX208) được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 1 nhân tố, 3 lần lặp lại, khoảng cách gieo 45x20 cm, mật độ 22 cây/m2, diện tích 1 ô thí nghiệm là 9m2. Mức công thức phân bón được áp dụng 60N-60P2O5-40K2O. Kiểm tra độ thuần của các dòng đột biến được thực hiện tại phòng thí nghiệm Di truyền Chọn giống - Trường Đại học Cần Thơ, giải trình tự gen tại Công ty Sinh Hóa Phù Sa. Kết quả đã chọn được 7 dòng đậu xanh đột biến ở M6 (TC8-4-3-5B, TC8-1-20-3, TC6-6-15-8, TC6-6-24-4, TC6-3-13-8, TC4-6-10-1, TC4-1-12-10) triển vọng, có các đặc tính tốt như ngắn ngày (56-61 ngày), trái chín đồng loạt, năng suất của các dòng này dao động từ (3,15 – 3,39 tấn/ha) cao hơn so với năng suất của giống ĐX208 (đối chứng) (2,69 tấn/ha) (**p). Hai mươi dòng Taichung đột biến ở M6 đều mang kiểu gen đồng hợp ở tính trạng khối lượng 1.000 hạt và ngày trổ hoa và kiểu gen giữa các dòng đột biến này đã thay đổi so với giống gốc (Taichung); Trình tự gen 3 dòng Taichung đột biến và giống Taichung đều khác nhau.
Trích dẫn: Trần Thị Thanh Thủy và Trương Trọng Ngôn, 2016. Phân tích các thông số di truyền ở bốn quần thể đậu xanh Taichung đột biến thế hệ M3. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 47b: 127-132.
Trích dẫn: Trần Thị Thanh Thủy và Trương Trọng Ngôn, 2016. Khảo sát năng suất và kiểu chín của các dòng đậu xanh đột biến ở thế hệ M5. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Số chuyên đề: Nông nghiệp (Tập 3): 218-225.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên