Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc nuôi tôm càng xanh trong môi trường nước lợ. Nghiên cứu được thực hiện ở huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú tỉnh Trà Vinh trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2013. Thực nghiệm được bố trí trong 9 ao, với diện tích mỗi ao là 4000 m2, mỗi huyện 3 ao. Tôm giống nhân tạo có khối lượng trung bình là 0,02 g/con được thả nuôi với mật độ 7 con/m2. Trong quá trình nuôi, độ mặn trung bình của nước ao nuôi ở các địa điểm khác nhau dao động 3,36 – 6,33‰. Sau 180 ngày nuôi, kết quả cho thấy ở các điểm nuôi có độ mặn cao thì tốc độ tăng trưởng, năng suất và hiệu quả tài chính của mô hình nuôi tốt hơn. Tôm nuôi ở Duyên Hải và Trà Cú có khối lượng (39,53 và 36,11 g/con) lớn hơn so với tôm nuôi ở Cầu Ngang (26,51 g/con). Năng suất tôm nuôi (1.342,5 và 1.269,17 kg/ha/vụ) cũng cao hơn ở Cầu Ngang (987,5 kg/ha/vụ) và hệ số FCR thấp hơn. Lợi nhuận của mô hình ở các địa điểm khác nhau dao động trong khoảng 92,19 - 216,75 triệu đồng/ha/vụ và tỉ suất lợi nhuận dao động trong khoảng 1,21 - 2,76 lần. Kết quả trên cho thấy, khả năng phát triển nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ ở ĐBSCL là rất có triển vọng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên