Hiện nay, việc thâm canh lúa liên tục 2 - 3 vụ mỗi năm, đã làm cho đất trồng lúa có thời gian nghỉ giữa hai vụ ngắn, đất trong điều kiện khử kéo dài, độ thoáng khí kém nên làm tăng khả năng phát thải khí nhà kính. Biện pháp tưới tiết kiệm nước không những góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng tính bền vững cho môi trường đất, mà còn làm giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Bài này trình bày kết quả thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp tưới khô ngập xen kẽ đến sự phát thải khí NH3, N2O và năng suất của lúa trên đất phù sa tại Bình Minh - Vĩnh Long vụ Đông Xuân 2013 - 2014. Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại với các nghiệm thức: ngập liên tục (CF), ngập khô xen kẽ (AWD). Kết quả thí nghiệm cho thấy các đỉnh cao của bốc thoát NH3 và phát thải N2O xảy ra sau 1-2 ngày của các thời điểm bón ure cho lúa, diễn biến thay đổi của pH nước mặt có cùng khuynh hướng với các thời điểm bón đạm này. Tưới ngập khô xen kẽ làm giảm lượng bốc thoát NH3 nhưng ngược lại lượng N2O phát thải lại cao hơn so với biện pháp tưới ngập liên tục. Biện pháp tưới ngập khô xen kẽ giúp giảm lượng nước tưới khoảng 1.000 m3/vụ nhưng năng suất lúa và khả năng hấp thu đạm vẫn không bị giảm, Ngoài ra, biện pháp tưới nhập khô xen kẽ cho lúa trên đất phù sa được ghi nhận làm gia tăng số bông/m2.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên