Hiện trạng khai thác cá lóc đen (Channa striata) ở tỉnh An Giang đã được thực hiện từ tháng 6-12/2013, thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 110 hộ dân khai thác thủy sản ở huyện Chợ Mới, Châu Thành, An Phú và Tịnh Biên. Kết quả cho thấy trong mùa mưa, cá lóc đen phân bố chủ yếu ở ruộng (70%) và trong mùa khô là ở kênh/rạch (43,3%) và sông nhỏ (40,6%). Có 14 loại ngư cụ (5 ngư cụ cấm sử dụng) được sử dụng để khai thác cá lóc đen, nhưng hầu hết được sử dụng để khai thác vào mùa mưa. Kích cỡ cá khai thác được khá đa dạng, nhưng chủ yếu từ 200-300 g/con (51,5% mùa mưa và 55,6% mùa khô). Tỷ lệ cá lóc đen khai thác được trong mùa mưa chiếm 9,53 %/tổng sản lượng khai thác, cao hơn so với mùa khô là 1,44%. Các ngư cụ khai thác được nhiều cá lóc trong mùa mưa là lợp cá lóc, kéo côn và giăng câu với sản lượng lần lượt là 688; 261 và 232 kg/hộ/vụ. Phần lớn người dân sống ở vùng lũ phụ thuộc vào nghề khai thác, trong đó số hộ phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác chiếm 16%, và 47% số hộ sống bằng nghề khai thác kết hợp làm thuê. Lợi nhuận thu được là 11,6 triệu đồng/hộ/năm và tỷ suất lợi nhuận là 1,77 lần.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên